1. Home
  2. Tin tức pháp luật
  3. Văn bản pháp luật

TỔNG HỢP NHỮNG ĐIỂM MỚI LUẬT CƯ TRÚ 2020

2268 Văn bản pháp luật

TỔNG HỢP NHỮNG ĐIỂM MỚI LUẬT CƯ TRÚ 2020
MỤC LỤC

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cư trú năm 2020 với 93,15% đại biểu tán thành. Sau đây là 10 quy định nổi bật của Luật Cư trú 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021 mà người dân cần biết:

1. Chính thức bỏ sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú

Theo Điều 20, Điều 28 Luật Cư trú năm 2020 kề từ ngày 01/7/2021, chính thức bỏ Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú. Thay vào đó, người dân khi thực hiện thủ tục đăng ký thường trú (ĐKTT), tạm trú sẽ được cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi cư trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú thay vì cấp Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú như quy định trước đây tại Điều 18, Điều 30 Luật Cư trú 2006.

2. Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú đã cấp vẫn có giá trị sử dụng đến hết 31/12/2022

Theo Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú năm 2020, trường hợp người dân đã được cấp Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú thì trước ngày 01/7/2021 thì:

- Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định cho đến hết ngày 31/12/2022.

- Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

3. Điều kiện đăng ký thường trú ở 63 tỉnh, thành là như nhau

Trước đây, theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật Cư trú sửa đổi, công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, nếu đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên. Riêng tại Hà Nội, theo Điều 19 Luật Thủ đô, nếu muốn đăng ký thường trú tại TP. Hà Nội thì còn phải tạm trú liên tục tại nội thành từ 03 năm trở lên.

Tuy nhiên, một trong những quy định đáng chú ý khác của Luật Cư trú năm 2020 là xóa điều kiện riêng nêu trên khi muốn nhập khẩu các thành phố trực thuộc Trung ương (như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...).

Đồng nghĩa, công dân khi muốn đăng ký thường trú vào TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì không còn bị phân biệt về điều kiện mà được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc như quy định tại Điều 20 Luật Cư trú 2020:

- Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó;

- Khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý trong các trường hợp vợ/chồng về ở với chồng/vợ; con đẻ, con nuôi về ở với cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi và ngược lại… thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình…

Có thể thấy, quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong việc quản lý cư trú của mọi công dân.

4. Thêm nhiều trường hợp công dân bị hạn chế quyền cư trú

Từ ngày 01/7/2020, bổ sung thêm nhiều trường hợp công dân bị hạn chế quyền cư trú, theo đó 13 trường hợp công dân bị hạn chế quyền cư trú gồm:

(1) Người bị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, biện pháp tạm giữ, tạm giam;

(2) Người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án;

(3) Người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách;

(4) Người đang chấp hành án phạt tù, cấm cư trú, quản chế hoặc cải tạo không giam giữ;

(5) Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;

(6) Người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

(7) Người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành;

(8) Người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

(9) Người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng;

(10) Địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền;

(11) Địa bàn có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

(12) Địa điểm không được đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ theo quy định;

(13) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

 5. Thêm nhiều trường hợp bị xoá đăng ký thường trú

Theo đó, quy định người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xóa đăng ký thường trú:

(1) Chết, có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết.

(2) Ra nước ngoài để định cư.

(3) Đã có quyết định huỷ đăng ký thường trú theo quy định tại Điều 35 Luật Cư trú 2020.

(4) Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng (quy định mới).

(5) Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, trước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam (quy định mới).

(6) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp (8) (quy định mới).

(7) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyền quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhà và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp (8) (quy định mới).

(8) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó, người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó (quy định mới).

(9) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật (quy định mới).

6. Sửa khái niệm về lưu trú

Theo Khoản 6 Điều 2 Luật Cư trú 2020Lưu trú theo quy định mới là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày.

7. Bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm về cư trú

Theo đó, Điều 7 Luật Cư trú 2020 bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú từ ngày 01/7/2021 gồm:

- Không tiếp nhận, trì hoãn việc tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, thông tin đăng ký cư trú hoặc có hành vi nhũng nhiễu khác; không thực hiện, thực hiện không đúng thời hạn đăng ký cư trú cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký cư trú; xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trái với quy định của pháp luật.

- Làm giả giấy tờ, tài liệu, dữ liệu về cư trú; sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú; cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú; khai man điều kiện, giả mạo hồ sơ, giấy tờ, tài liệu để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; thuê, cho thuê, mua, bán, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại giấy tờ, tài liệu về cư trú.

- Truy nhập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú

8. Sửa khái niệm hộ gia đình tham gia BHYT

Cụ thể, khoản 2 Điều 37 Luật Cư trú 2020 sửa khái niệm hộ gia đình tham gia BHYT như sau:

Hộ gia đình tham gia BHYT là những người cùng ĐKTT hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú.

9. Lưu trú dưới 30 ngày không cần đăng ký tạm trú

Theo Điều 27, điều kiện đăng ký tạm trú từ 01/7/2021 gồm:

Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã ĐKTT để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

Như vậy, quy định mới cho phép người dân đến và sinh sống tại một địa điểm ngoài địa điểm đã ĐKTT từ 30 ngày trở lên mới phải đăng ký tạm trú.

10. Nơi cư trú của người không có thường trú, tạm trú

Theo Điều 19 Luật Cư trú năm 2020, việc xác định nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú được quy định như sau:

- Là nơi ở hiện tại của người đó;

- Trường hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống.

- Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.

BTTH


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc