· Nguyễn Thúy Hằng · Thành lập mới dự án · 6 phút đọc
Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư
Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư được hiểu là thời hạn thực hiện dự án đầu tư. Hiện nay, dự án đầu tư không phát sinh một cách tự phát mà đều có thời hạn hoạt động nhất định theo quy định của pháp luật đầu tư
Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư được hiểu là thời hạn thực hiện dự án đầu tư. Hiện nay, dự án đầu tư không phát sinh một cách tự phát mà đều có thời hạn hoạt động nhất định theo quy định của pháp luật đầu tư. Thời hạn hoạt động của dự án không chỉ là khía cạnh quyết định sự thành công của dự án mà còn là yếu tố quyết định đến lợi nhuận và uy tín của nhà đầu tư. Để nắm được thời hạn hoạt động của các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, ngoài khu hay trên các địa bàn khác hiện nay được quy định như thế nào thì mời quý bạn đọc theo dõi bài viết “Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư” dưới đây của Y&P Law Firm.
1. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư
Căn cứ quy định tại Điều 44 Luật đầu tư 2020 thì thời hạn hoạt động của dự án đầu tư được thực hiện như sau:
- Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong khu kinh tế là không quá 70 năm.
- Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế là không quá 50 năm. Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn hoạt động của dự án có thể dài hơn nhưng không quá 70 năm.
Trong đó, khu kinh tế là khu vực có ranh giới địa lý xác định, gồm nhiều khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh.
(Ảnh minh họa: Thời hạn hoạt động dự án dầu tư)
Lưu ý:
- Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nhà đầu tư chậm được bàn giao đất thì thời gian Nhà nước chậm bàn giao đất không tính vào thời hạn hoạt động, tiến độ thực hiện của dự án đầu tư.
- Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thì thời hạn hoạt động của dự án được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Nếu nhà đầu tư đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm được bàn giao đất thì thời hạn hoạt động của dự án đầu tư được tính từ ngày bàn giao đất trên thực địa.
2. Gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư
Khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư mà nhà đầu tư vẫn có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án và đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật thì được xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án nhưng không được quá thời hạn tối đa quy định tại Điều 44 Luật Đầu tư 2020 đã nêu ở mục 1, trừ các dự án đầu tư sau đây:
- Dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên bao gồm;
- Dự án đầu tư thuộc trường hợp nhà đầu tư phải chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam hoặc bên Việt Nam.
Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư (Ảnh minh họa)
3. Các trường hợp phải chấm dứt thời hạn hoạt động của dự án đầu tư
Căn cứ quy định tại Điều 48 Luật đầu tư 2020, các trường hợp dự án đầu tư phải chấm dứt thời hạn hoạt động bao gồm:
- Nhà đầu tư chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư
Nhà đầu tư chấm dứt hoạt động đầu tư, dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:
- Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư;
- Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp;
- Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
- Cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư
Cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:
Dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật này mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động;
- Nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này;
- Dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư;
- Dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;
- Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự;
- Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, Quý khách hàng vui lòng liên hệ tới Y&P, chúng tôi sẽ tư vấn miễn phí và hỗ trợ bạn một cách tận tình nhất.
Xem thêm: Điều kiện để hưởng ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mở rộng