1. Home
  2. Kiến thức pháp lý
  3. Dân sự

Điều kiện để di chúc có hiệu lực Pháp luật

264 Dân sự

Điều kiện để di chúc có hiệu lực Pháp luật
MỤC LỤC

Di chúc là gì?

Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di chúc như sau:

 “Điều 624. Di chúc

 Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”

Theo đó, di chúc được hiểu là sự thể hiện ý chí của một cá nhân nhằm để chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi người đó chết.

Bên cạnh đó, hình thức của di chúc theo quy định của pháp luật hiện hành được thể hiện dưới hai dạng (Điều 627 BLDS 2015):

  •  Di chúc bằng văn bản
  •  Di chúc bằng miệng (trong trường hợp không thể lập di chúc bằng văn bản)

Trong đó, di chúc bằng văn bản bao gồm các loại di chúc sau (Điều 628 BLDS 2015):

  •  Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
  •  Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
  •  Di chúc bằng văn bản có công chứng;
  •  Di chúc bằng văn bản có chứng thực.


                  Điều kiện để di chúc có hiệu lực Pháp luật

Điều kiện để di chúc có hiệu lực pháp luật

Di chúc là một giao dịch dân sự mang tính chất đặc biệt, giao dịch dân sự này chỉ phát sinh hiệu lực khi người lập di chúc chết.

Theo Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Di chúc hợp pháp như sau:

“1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực”.

Theo đó, một bản di chúc được coi là có hiệu lực pháp luật khi đáp ứng được các điều kiện sau:

1.  Điều kiện về năng lực chủ thể

Năng lực hành vi dân sự của một cá nhân sẽ phản ánh cá nhân đó có khả năng bằng hành vi của mình để thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự hay không. Cá nhân chỉ có thể lập di chúc thể hiện ý chí của mình khi cá nhân đó có thể định đoạt được tài sản của mình. Vì vậy, pháp luật quy định người lập di chúc phải đạt đến một độ tuổi nhất định đồng thời phải có đủ khả năng nhận thức về việc định đoạt tài sản của mình.

Do đó, người lập di chúc phải là người đã thành niên và hoàn toàn có khả năng nhận thức và điều khiển được hành vi của mình vào thời điểm lập di chúc. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể lập di chúc nhưng phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ về việc lập di chúc.

2.  Điều kiện về ý chí của người lập di chúc

Người lập di chúc phải tự nguyện khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Đây là một trong những điều kiện nhằm đảm bảo di chúc thể hiện đúng ý nguyện, sự định đoạt, quyết định của người lập di chúc về việc dịch chuyển tài sản của họ cho người khác sau khi chết.

Cưỡng ép người lập di chúc có thể là sự cưỡng ép về thể chất hoặc về tinh thần để bắt người đó lập di chúc. Lừa dối người lập di chúc có thể được thực hiện thông qua việc đưa thông tin sai lệch để cho người có tài sản tin rằng một người đã chết hoặc đã mất tích nên không để lại di sản cho người đó mà để lại di sản cho người khác,...

3.  Điều kiện về nội dung của di chúc

Nội dung của di chúc là sự thể hiện ý chí của người lập di chúc về việc định đoạt tài sản của mình cho những người thừa kế, phân chia di sản thừa kế, giao nghĩa vụ cho người thừa kế...Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là quyền định đoạt ấy không chịu sự ràng buộc nào của pháp luật. Ý chí tự định đoạt của người lập di chúc phải phù hợp với ý chí của nhà nước và đạo đức xã hội. Nếu di chúc có nội dung trái với pháp luật và đạo đức xã hội thì có thể bị coi là vô hiệu.

4.  Điều kiện về hình thức của di chúc

Hình thức của di chúc là phương tiện biểu hiện ý chí của người lập di chúc. Căn cứ theo quy định tại Điều 627 BLDS 2015 thì di chúc phải được lập thành văn bản, nếu như không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

Trong một số trường hợp đặc biệt thì di chúc phải được lập thành văn bản bao gồm:

  •  Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi
  •  Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ

Riêng đối với di chúc miệng thì chỉ được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng. (Khoản 5 Điều 630 BLDS 2015)

Trên đây là quy định của pháp luật về điều kiện có hiệu lực của di chúc mà Y&P Lawfirm đã tìm hiểu và cập nhật, cảm ơn Quý Độc giả đã quan tâm theo dõi. Trân trọng!

NTTL


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc