1. Home
  2. Kiến thức pháp lý
  3. Sở hữu trí tuệ

Ai có quyền đăng ký nhãn hiệu?

241 Sở hữu trí tuệ

Ai có quyền đăng ký nhãn hiệu?
MỤC LỤC

Căn cứ Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) gọi tắt là “Luật Sở hữu trí tuệ 2005” quy định các đối tượng có quyền đăng ký nhãn hiệu bao gồm:

(1)    Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.

Ví dụ:  Công ty A có nhãn hiệu “Hòa Minh” cho sản phẩm giày dép cho chính Công ty A sản xuất thì Công ty A có quyền đăng ký nhãn hiệu “Hòa Minh” bảo hộ cho sản phẩm giày dép.

Công ty T chuyên cung cấp dịch vụ xây dựng, Công ty T có thể đăng ký nhãn hiệu bảo hộ cho dịch vụ xây dựng này của mình.

(2)    Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.

Ví dụ:  Công ty B mua sản phẩm ghế do Công ty H sản xuất để bán ra thị trường. Sản phẩm ghế của Công ty H không mang nhãn hiệu nào. Công ty B quyền đăng ký nhãn hiệu “Hoa hồng” cho sản phẩm ghế này nếu Công ty H không sử dụng nhãn hiệu “Hoa hồng” cho sản phẩm ghế và không phản đối việc đăng ký này của Công ty B.

Công ty B đặt Công ty M gia công sản phẩm bút mang nhãn hiệu “Bình Minh”. Khi đó, Công ty M là bên trực tiếp sản xuất bút nhưng quyền đăng ký nhãn hiệu “Bình Minh” (bảo hộ cho sản phẩm bút) thuộc về Công ty B.

Hai trường hợp trên là những trường hợp phổ biến về quyền đăng ký nhãn hiệu với cá nhân/doanh nghiệp.

                 Ai có quyền đăng ký nhãn hiệu (Ảnh minh họa)

(3)    Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó.

Trường hợp này chủ yếu là các Hợp tác xã, các Hội nghề nghiệp đăng ký nhãn hiệu tập để để các thành viên của mình sử dụng.

(4)    Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

(5)    Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu.

(6)    Những đối tượng được chuyển giao quyền đăng ký nhãn hiệu từ những đối tượng có quyền đăng ký nhãn hiệu trong các trường hợp trên.

(7)    Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

Từ đó những nội dung nêu trên, các tổ chức, cá nhân xem xét về việc mình có quyền đăng ký đối với nhãn hiệu sử dụng cho sản phẩm/dịch vụ nào không và tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ để được hưởng quyền ưu tiên sớm nhất.

Trên đây là quy định pháp luật về vấn đề Ai có quyền đăng ký nhãn hiệu mà Công ty Luật TNHH Youth & Partners đã tìm hiểu và cập nhật, cảm ơn Quý Khách hàng đã quan tâm và theo dõi. Trân trọng!

NTL

 


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc