· Bùi Đức Mạnh · Đất đai · 8 phút đọc
Thẩm quyền và trách nhiệm của UBND xã trong việc quản lý đất đai
Thẩm quyền và trách nhiệm của UBND xã trong quản lý đất đai: quản lý đất công ích, đất chưa sử dụng, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm và hồ sơ địa chính.
Mỗi loại đất sẽ do các cơ quan khác nhau quản lý. Vậy đất UBND xã quản lý là đất nào? Thẩm quyền và trách nhiệm về đất đai do UBND cấp xã quản lý được quy định ra sao? Hãy cùng Công ty Luật Youth & Partners tìm hiểu về vấn đề này nhé!
1. UBND xã quản lý những loại đất nào?
- Đất công ích
- Đất chưa sử dụng
- Đất bãi bồi ven sông, ven biển
2. Thẩm quyền quản lý đất đai của UBND cấp xã
a. Thẩm quyền quản lý
Đối với đất công ích:
Khoản 2 Điều 8 Luật đất đai 2024 quy định về Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất như sau:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích; đất phi nông nghiệp đã giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã để sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân, các công trình công cộng phục vụ hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí, chợ, nghĩa trang và công trình công cộng khác của xã, phường, thị trấn; đất tôn giáo, đất tín ngưỡng chưa giao quản lý, sử dụng.
Khoản 2 Điều 7 Luật đất đai 2024 quy định về Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất được giao để quản lý như sau:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không thành lập đơn vị hành chính cấp xã chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất sử dụng vào mục đích công cộng được giao quản lý, đất chưa giao, đất chưa cho thuê tại địa phương.
Đối với đất bãi bồi ven sông, ven biển:
Thẩm quyền quản lý đất đai đối với đất bãi bồi ven sông, ven biển được quy định tại Điều 191 Luật đất đai 2024 quy định cụ thể như sau:
Điều 191. Đất bãi bồi ven sông, ven biển
Đất bãi bồi ven sông, ven biển bao gồm đất bãi sông, đất bãi nổi, cù lao trên sông, đất bãi bồi ven biển và đất bãi nổi, cù lao trên biển.
Việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển thực hiện theo quy định sau đây:
a) Đất bãi bồi ven sông, ven biển thuộc địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương nào thì do Ủy ban nhân dân cấp huyện đó quản lý;
b) Đất bãi bồi ven sông, ven biển được Nhà nước giao, cho thuê đối với tổ chức kinh tế, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhà nước có trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đưa đất bãi bồi ven sông, ven biển vào sử dụng.
Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm điều tra, khảo sát, theo dõi, đánh giá quỹ đất bãi bồi ven sông, ven biển thường xuyên được bồi tụ hoặc thường bị sạt lở để có kế hoạch khai thác, sử dụng. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định giao đất, cho thuê đất bãi bồi ven sông, ven biển thường xuyên được bồi tụ hoặc thường bị sạt lở cho người có nhu cầu.
Việc sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển dựa trên nguyên tắc bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông và phòng chống thiên tai.
Đối với đất chưa sử dụng:
Thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai của UBND cấp xã đối với đất chưa sử dụng được quy định tại Điều 221 Luật đất đai 2024 cụ thể như sau:
Điều 221. Quản lý đất chưa sử dụng
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ đất chưa sử dụng tại địa phương, đăng ký vào hồ sơ địa chính và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp về tình hình quản lý, khai thác quỹ đất chưa sử dụng.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý đất chưa sử dụng tại các đảo chưa giao cho đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quản lý.
b. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Tranh cấp đất đai là điều xảy ra thường xuyên giữa các gia đình hoặc trong cùng một gia đình. Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất trong quan hệ đất đai.
Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp tự hòa giải với nhau hoặc hòa giải ở cơ sở.
Trong trường hợp hòa giải không thành thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để được hòa giải.
Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với UBMTTQ cấp xã, các tổ chức thành viên của mặt trận, các tổ chức xã hội thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình. Thời hạn thực hiện thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai.
c. Thẩm quyền xử lý vi phạm
- Nếu công chức địa chính cấp xã phát hiện các hành vi vi phạm đất đai thì phải báo cáo ngay cho Chủ tịch UBND cấp xã để ngăn chặn kịp thời và xử lý.
- Nếu Chủ tịch UBND cấp xã phát hiện vi phạm hoặc được báo cáo có vi phạm thì tổ chức kiểm tra, lập biên bản, ra quyết định đình chỉ hành vi bi phạm và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luât. Trong trường hợp vượt quyền thì báo cáo với UBND cấp huyện để được giải quyết.
- Trong trường hợp người vi phạm không chấp hành, UBNF cấp xã sẽ báo cáo với UBND cấp huyện để tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý.
- Nếu người sử dụng đất do UBND cấp xã quản lý nhưng không sử dụng đúng mục đích, không tuân theo hợp đồng đã lý kết thì UBND cấp xã có quyền hủy bỏ hợp đồng.
d. Thẩm quyền xử phạt
Khoản 1 Điều 30 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã xử phạt trong lĩnh vực đất đai như sau:
Điều 30. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
3. Trách nhiệm của UBND xã trong quản lý đất đai
- Xác định nguồn gốc, tình trạng đất đai để làm các thủ tục hành chính về đất đai như cấp Giấy chứng nhận, chuyển quyền sử dụng đất hoặc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
- Đối với trách nhiệm quản lý đất công ích, UBND cấp xã có trách nhiệm trích lập quỹ đất công ích cấp xã để trình HĐND xét duyệt; quản lý và sử dụng quỹ đất công ích đúng với mục đích, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
- Đối với đất chưa sử dụng, UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ quỹ đất chưa sử dụng trên địa bàn và đăng ký vào hồ sơ địa chính; đề xuất phương án sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển có diện tích chưa sử dụng để trình UBND cấp huyện duyệt.
- Rà soát hiện trạng sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức trên địa bàn để xử lý những vấn đề liên quan; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thống kê, kiểm kê đất đai theo quy định.
- Đối với việc quản lý hồ sơ địa chính, UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn để thiết lập, quản lý hồ sơ địa chính; đồng thời sử dụng, bảo quản, khai thác thông tin đất đai từ hồ sơ địa chính theo đúng quy định của pháp luật.
Xem thêm: Thủ tục đính chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới nhất năm 2024