Các trường hợp Người lao động được nghỉ chế độ thai sản
Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Lao động nữ đi khám thai.
Theo quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014: trong quá trình mang thai thì lao động nữ sẽ được nghỉ khám thai 05 lần, mỗi lần nghỉ 01 ngày làm việc; nếu người lao động ở xa cơ sở y tế hoặc có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày làm việc/lần khám.
Lao động nữ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý.
Theo quy định tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014: khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Tùy thuộc vào tuổi thai mà người lao động sẽ được nghỉ từ 10 đến 50 ngày cụ thể như sau:
a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
Lao động nữ khi sinh con.
Theo quy định tại Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
a) Lao động nữ sinh con sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì từ con thứ hai trở đi, người lao động sẽ được nghỉ thêm 01 tháng/con sinh ra.
b) Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.
Theo quy định tại Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
a) Lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản như những người lao động khác cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhưng không vượt quá 06 tháng.
b) Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản từ khi nhận con cho đến lúc con đủ 06 tháng tuổi.
Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi.
Theo quy định tại Điều 36 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi được nghỉ chế độ thai sản đến khi con nuôi đủ 06 tháng tuổi.
Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.
Theo quy định tại Điều 36 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
a) Lao động nữ đặt vòng tránh thai được nghỉ 07 ngày
b) Lao động nữ triệt sản được nghỉ 15 ngày
Lao động nam có vợ sinh con.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
a) 05 ngày làm việc;
b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nam khi vợ sinh con được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Người lao động nghỉ chế độ thai sản năm 2023 có được hưởng lương không (Ảnh minh họa)
Người lao động nghỉ thai sản có được hưởng lương không?
Nhờ việc tham gia bảo hiểm xã hội, khi nghỉ thai sản, người lao động sẽ được hưởng quyền lợi được thanh toán từ quỹ bảo hiểm xã hội.
Theo khoản 2 Điều 168 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:
“Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.”
Như vậy, do người lao động nghỉ thai sản không đến làm việc tại Công ty, đồng thời cũng đã nhận được tiền trợ cấp từ cơ quan bảo hiểm xã hội nên người lao động nghỉ thai sản sẽ không được hưởng lương từ nơi người lao động làm việc.
Việc không trả lương cho người lao động nghỉ thai sản là hợp lý bởi thời gian này, người lao động không phải làm việc cho doanh nghiệp. Mặt khác, bản chất của bảo hiểm xã hội là sự bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản.
Tuy nhiên, nếu công ty và người lao động có thỏa thuận về việc trả lương ngay cả khi người lao động nghỉ thai sản thì người lao động vẫn được nhận đủ lương trong thời gian nghỉ. Với trường hợp này, người lao động sẽ nhận được đồng thời cả lương và tiền trợ cấp bảo hiểm xã hội
Người lao động không nghỉ hết thời gian thai sản mà đi làm sớm có được nhận trợ cấp không?
Theo khoản 2 Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau:
“Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định”
Như vậy, chỉ trong trường hợp lao động nữ sinh con không nghỉ hết thời gian thai sản mà đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mới được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn 06 tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, lao động nữ muốn đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Phải đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 04 tháng,
b) Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý cho đi làm trở lại.
Trên đây là quy định của pháp luật về việc Người lao động nghỉ chế độ thai sản năm 2023 có được hưởng lương không mà Y&P Lawfirm đã tìm hiểu và cập nhật, cảm ơn Quý Độc giả quan tâm theo dõi!
NTTL