1. Home
  2. Tin tức pháp luật
  3. Bản tin pháp lý

Không phải về quê xác nhận hỗ trợ Covid-19, tin vui cho người lao động tự do

3457 Bản tin pháp lý

MỤC LỤC

Lao động tự do là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Phải nghỉ việc hoặc không có việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát, cuộc sống rất nhiều lao động tự do hiện đang gặp không ít khó khăn. Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ người lao động nói chung và lao động tự do nói riêng.

Với những người có hộ khẩu thường trú, việc xác định được thực hiện nhanh chóng. Trong khi đó, với những người lao động không có tạm trú tại Hà Nội lại gặp khó khăn khi làm thủ tục hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước. Nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc xác nhận để hưởng chế độ hỗ trợ lao động tự do do ảnh hưởng của Covid-19, mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn 2644/UBND-KGVX, trong đó có nội dung rất đáng chú ý, tạo thuận lợi cho người lao động.

Lao động tự do Hà Nội không phải về quê xác nhận hỗ trợ Covid-19. Đây là nội dung đáng chú ý được Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hà Nội ban hành tại Công văn 2644/UBND-KGVX.

1. Đối tượng nhận hỗ trợ

Hỗ trợ người lao động (theo quy định tại khoản 1, Điều 3, Luật Việc làm) làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố; người lao động bị cách ly, cư trú trong khu vục bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

2. Điều kiện nhận hỗ trợ

Cụ thể, UBND các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn tiếp nhận hồ sơ để xem xét, giải quyết chính sách hỗ trợ lao động tự do đủ điều kiện nhận hỗ trợ nhưng không thể về nơi thường trú hoặc nơi cư trú để xác nhận. Trong đó, điều kiện để được nhận hỗ trợ gồm:

- Cư trú hợp pháp;

- Bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 01/5/2021 - 31/12/2021.

3. Mức hỗ trợ lao động tự do

Chính phủ cho phép các địa phương tự quy định mức hỗ trợ nhưng không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

Tại Hà Nội, mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/người/lần theo Quyết định 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021.

4. Hình thức tiếp nhận hồ sơ

Việc tổ chức tiếp nhận hồ sơ của lao động tự do bằng nhiều hình thức linh hoạt, thuận lợi nhất cho người lao động như trực tiếp, bưu điện, email, trực tuyến… nhằm giảm thời gian giải quyết hồ sơ hỗ trợ của người lao động.

Việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ, lập danh sách, niêm yết… cũng phải được thực hiện công khai, nhanh chóng, để hỗ trợ kịp thời cho người lao động.

UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu gửi thông tin cho người lao động được nhận hỗ trợ đến nơi thường trú hoặc tạm trú bằng nhiều hình thức linh hoạt như qua email, hòm thư công vụ, bưu điện...

5. Hồ sơ, thủ tục

 (1) Người lao động (theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Việc làm) lập hồ sơ gửi đến UBND cấp xã nơi cư trú hợp pháp sau ngày 15 hàng tháng, hồ sơ gồm có:

 - Giấy đề nghị hỗ trợ theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Quyết định 3642.

Mẫu số 01

 - Bản photo sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng cư trú do công an xã, phường, thị trấn cấp.

 (Người lao động có nơi thường trú và nơi tạm trú không trong cùng phạm vi một xã, phường, thị trấn, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi tạm trú về việc không đề nghị hưởng các chính sách theo Quyết định 3642 và ngược lại (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Quyết định 3642).

Mẫu số 02

 * Thời gian người lao động gửi hồ sơ xét duyệt chậm nhất là ngày 31/01/2022.

 (2) Trong 06 ngày làm việc, UBND cấp xã rà soát và tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện gửi UBND cấp huyện như sau:

 - Thành lập Hội đồng xét duyệt (sau đây gọi tắt là Hội đồng) gồm: Chủ tịch UBND cấp xã - Chủ tịch hội đồng, Phó Chủ tịch UBND cấp xã phụ trách Văn hóa xã hội - Phó Chủ tịch Hội đồng; các thành viên gồm: công chức Lao động - Thương binh và Xã hội, công chức tư pháp hộ tịch, lãnh đạo MTTQ, Trưởng Công an; Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư, tổ trưởng dân phố hoặc trưởng thôn, cảnh sát khu vực.

 - Hội đồng cấp xã tổ chức họp, xét duyệt hồ sơ, lập danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ.

 - UBND cấp xã công khai với cộng đồng dân cư, niêm yết công khai danh sách tại trụ sở UBND cấp xã, nhà văn hóa thôn, khu dân cư, tổ dân phố (nếu có), trang thông tin điện tử của xã, phường, thị trấn (nếu có) trong 02 ngày làm việc; tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện (theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Quyết định 3642) gửi UBND cấp huyện (kèm theo biên bản họp Hội đồng).

Mẫu số 03

- UBND cấp huyện giao phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp danh sách trình UBND cấp huyện quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ trong 02 ngày làm việc. Trường hợp không phê duyệt phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

 - UBND cấp huyện phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

 (3) Sau khi ban hành Quyết định, UBND cấp huyện giao UBND cấp xã tổ chức chi trả cho người lao động trong thời gian 02 ngày làm việc.

Đỗ Huệ.


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc