· Luật sư Nguyễn Văn Thành · Bản tin pháp lý · 7 phút đọc
Nữ sinh lớp 10 dùng dao đâm bạn – Góc nhìn luật sư
Vụ việc nữ sinh lớp 10 dùng dao đâm bạn học đã làm dấy lên lo ngại về bạo lực học đường và trách nhiệm pháp lý của trẻ vị thành niên.
Vụ việc đã gây ra nhiều tranh luận về cách ứng xử học đường, trách nhiệm của gia đình, nhà trường cũng như vấn đề pháp lý đối với học sinh chưa thành niên. Hãy cùng Y&P nhìn nhận vụ việc dưới góc nhìn của Luật sư
Tóm tắt vụ việc
Vào chiều ngày 7/10, tại lớp 10A6 khu B, Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc, trong giờ ra chơi, một vụ xô xát nghiêm trọng đã xảy ra giữa hai học sinh T.T.M và T.T.T.Th. (cùng sinh năm 2009). Trước khi sự việc xảy ra, giữa hai em đã có mâu thuẫn tích tụ từ lâu do những lời nói xấu nhau trong quá trình học tập và sinh hoạt.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn, M. đã dùng hung khí chuẩn bị sẵn từ trước đâm vào ngực trái của Th., khiến Th. bị thương nặng, mất nhiều máu và hiện đang trong tình trạng nguy kịch. Nạn nhân ngay lập tức được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc.
Theo lãnh đạo Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc, nhà trường rất lấy làm tiếc trước vụ việc đáng buồn này. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức các khóa học kỹ năng và mời các chuyên gia tâm lý về chia sẻ với học sinh nhằm trang bị cho các em kỹ năng xử lý tình huống. “Các em mới chỉ vào học được vài tháng, vụ việc thật sự là một nỗi đau lớn đối với nhà trường và gia đình,” đại diện nhà trường chia sẻ.
1. Xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, Người có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
2. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:
Điều 12: Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
- Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
Theo nội dung của quy định trên, nếu từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm. Ngược lại nếu từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như Giết người, Hiếp dâm, Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác…
Thông thường, học sinh lớp 10 nằm trong độ tuổi từ 15 đến 16 tuổi. Do vậy, nữ sinh trong trường hợp này thuộc khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự, đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự với một số tội phạm nhất định. Nếu cơ quan Cảnh sát điều tra tìm thấy đủ các căn cứ về hành vi đánh bạn học, nữ sinh này có thể bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe của người khác” theo quy định của pháp luật.
Điều 134 Bộ luật Hình sự quy định về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” như sau:
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
- Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
…
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
…
Trong trường hợp này, nữ sinh đã dùng dao gây thương tích nghiêm trọng cho bạn học. Theo luật, tùy thuộc vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà nữ sinh này có thể sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm nếu:
- Người bị gây thương tích có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc;
- Người bị gây thương tích có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% nhưng người này dưới 16 tuổi (Nữ sinh trong vụ việc trên có thể bị truy cứu trách nhiệm với hành vi này).
3. Các biện pháp giáo dục và giải pháp ngăn ngừa tái phạm
Vụ việc này không chỉ đặt ra vấn đề xử lý pháp lý mà còn là bài học lớn về giáo dục cho cả gia đình và nhà trường. Để ngăn ngừa các tình huống tương tự, cần có các giải pháp đồng bộ như:
- Tăng cường giáo dục kỹ năng sống và kiểm soát cảm xúc cho học sinh: Nhà trường cần lồng ghép các chương trình giáo dục kỹ năng sống, hướng dẫn học sinh cách kiểm soát cảm xúc và xử lý mâu thuẫn một cách tích cực, không sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề.
- Phối hợp giữa nhà trường và gia đình: Gia đình và nhà trường phải thường xuyên trao đổi, nắm bắt tâm lý của học sinh, kịp thời can thiệp và định hướng khi phát hiện các dấu hiệu mâu thuẫn hoặc xung đột giữa học sinh.
- Áp dụng biện pháp xử lý kỷ luật phù hợp: Trong trường hợp này, ngoài việc xử lý hình sự (nếu cần thiết), cần áp dụng các biện pháp kỷ luật và giáo dục phù hợp như đưa nữ sinh đến các chương trình giáo dục pháp luật, tham gia các hoạt động cộng đồng để nâng cao nhận thức về hành vi và hậu quả của bạo lực học đường.
Mặc dù đây là một vụ việc đau lòng, nhưng nó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng bạo lực học đường đang gia tăng. Việc quản lý và giáo dục trẻ chưa thành niên cần có sự quan tâm đúng mực từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Hành vi sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn không chỉ làm tổn thương đến nạn nhân mà còn để lại hậu quả lâu dài về tâm lý và tương lai cho chính người gây ra hành vi đó.