"Người lao động nước ngoài có phải đóng BHXH không" là vấn đề nhiều người quan tâm. BHXH là một phần quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, đảm bảo sự ổn định tài chính khi gặp phải rủi ro trong cuộc sống. Tuy nhiên, đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, việc đóng BHXH không phải là vấn đề đơn giản và còn nhiều sự khác biệt so với người lao động trong nước. Vậy, người lao động nước ngoài có phải đóng BHXH không? Quy định nào áp dụng đối với nhóm lao động này? Hãy cùng Y&P tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây để rõ hơn về nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động nước ngoài liên quan đến BHXH tại Việt Nam.
Căn cứ pháp lý:
1. Nghị định 143/2018/NĐ-CP
2. Bộ luật lao động 2019
3. Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017
4. Nghị định 58/2020/NĐ-CP
5. Nghị định 12/2022/NĐ-CP
1. Người lao động nước ngoài có phải đóng BHXH không?
Khoản 1 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động về đóng BHXH bắt buộc cho Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam quy định về đối tượng áp dụng như sau:
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
|
|
Theo nội dung của quy định trên, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH nếu đáp ứng cả 2 điều kiện sau:
i. Có Giấy phép lao động hoặc Chứng chỉ ngành nghề hoặc Giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
ii. Có Hợp đồng lao động không xác định thời hạn; Hợp đồng xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với Người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Nếu không đáp ứng 1 trong 2 điều kiện trên thì người lao động nước ngoài không thuộc trường hợp phải đóng BHXH bắt buộc. Ngoài ra, cần lưu ý trường hợp NLĐ nước ngoài không thuộc trường hợp tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:
i. NLĐ nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 11/2016/NĐ-CP;
ii. NLĐ nước ngoài đủ tuổi nghỉ hưu theo khoản 1 Điều 187 BLLĐ 2019.
Một thông tin mà các doanh nghiệp cần lưu tâm, theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật BHXH 2024, có hiệu lực từ ngày 01/07/2025, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi ký Hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì phải tham gia BHXH bắt buộc mà không cần biết người lao động này có Giấy phép lao động hoặc các chứng chỉ hành nghề khác không. Điều này thể hiện có khả năng rằng Luật BHXH 2024 đã nhận thấy được sự không rõ ràng của quy định này tại Luật BHXH 2014, theo đó đã khắc phục bằng cách quy định rõ ràng hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp và người lao động lưu ý nội dung này.
2. Các chế độ BHXH của người lao động nước ngoài tại Việt Nam
Theo Điều 5 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, người lao động nước ngoài thực hiện các chế độ BHXH bắt buộc sau đây:
- Ốm đau;
- Thai sản;
- Bảo hiểm tai nạn lao động;
- Bệnh nghề nghiệp;
- Hưu trí và tử tuất
3. Mức đóng BHXH của người lao động nước ngoài
Theo quy định tại các văn bản: Điều 18 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017; Điều 12 Nghị định 143/2018/NĐ-CP; Điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP, mức đóng BHXH của người lao động nước ngoài được quy định cụ thể như sau:
- Về phía Người sử dụng lao động:
+ Quỹ hưu trí, tử tuất: Từ ngày 01/01/2022, người sử dụng đóng 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
+ Quỹ ốm đau, thai sản: Người sử dụng lao động đóng 3% vào quỹ ốm đau.
+ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Mức đóng bình thường bằng 0.5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Lưu ý: Doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được áp dụng mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thấp hơn mức đóng bình thường, cụ thể là 0.3%, tuy nhiên phải bảo đảm các điều kiện sau:
- Trong vòng 03 năm tính đến thời điểm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội;
- Thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 03 năm liền kề trước năm đề xuất;
- Tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 03 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động tính từ 03 năm liền kề trước năm đề xuất.
- Về phía người lao động nước ngoài:
+ Mức đóng và phương thức đóng quỹ hưu trí và tử tuất của người lao động nước ngoài: Người lao động nước ngoài hằng tháng đóng 8% mức tiền lương vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Người lao động nước ngoài không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
(Ảnh minh họa: Mức đóng BHXH của người lao động nước ngoài)
4. Nếu người lao động không phải đóng BHXH thì doanh nghiệp có nghĩa vụ gì?
Nếu người lao động nước ngoài không thuộc trường hợp phải đóng Bảo hiểm xã hội (“BHXH”) bắt buộc thì theo quy định tại khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019:
Điều 168. Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
...
3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
|
|
Căn cứ nội dung của quy định này, doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho NLĐ nước ngoài tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho NLĐ.
Hành vi “Không trả hoặc trả không đủ cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật” sẽ bị phạt theo quy định tại khoản 4, điểm b khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP
(i). Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
(ii). Từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
(iii). Từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
(iv). Từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
(v). Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
*Lưu ý: Đây là mức phạt cá nhân vi phạm. Mức phạt nếu tổ chức vi phạm bằng 2 lần mức phạt cá nhân (Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
Ngoài ra công ty còn phải trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt cho người lao động.
Xem thêm:
NGƯỜI LAO ĐỘNG CÓ ĐƯỢC ĐÓNG BHXH TRONG THỜI GIAN THỬ VIỆC KHÔNG?
#NTH