· Luật sư Nguyễn Văn Thành · Dân sự · 7 phút đọc
Giải quyết tranh chấp liên quan đến Hợp đồng vay tài sản
Những tranh chấp này có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm sự hiểu lầm về điều khoản hợp đồng, sự vi phạm nghĩa vụ, hoặc những bất đồng về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan.
Trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển và môi trường đầu tư ngày càng đa dạng, tranh chấp liên quan đến hợp đồng vay tài sản trở thành vấn đề ngày càng phổ biến. Những tranh chấp này có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm sự hiểu lầm về điều khoản hợp đồng, sự vi phạm nghĩa vụ, hoặc những bất đồng về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và đảm bảo quá trình giải quyết tranh chấp diễn ra một cách công bằng, hiệu quả, việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia pháp lý là điều hết sức cần thiết. Bài viết dưới đây của Luật Y&P về “Giải quyết tranh chấp Hợp đồng vay tài sản” sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan và các bước cần thiết để giải quyết tranh chấp hiện nay.
Căn cứ pháp lý
Bộ luật Dân sự 2015
Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
1. Khái niệm Hợp Đồng vay tài sản
Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Theo đó, Hợp đồng vay tài sản là:
Sự thỏa thuận của các bên, bên cho vay giao tài sản cho bên vay
Khi đến hạn theo thỏa thuận, bên vay phải trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo số lượng, chất lượng
Bên vay chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc luật có quy định
Hiện nay, chỉ động sản mới là đối tượng của Hợp đồng vay tài sản, không phải tài sản nào cũng là đối tượng của loại hợp đồng này, đối tượng thường gặp nhất là một khoản tiền hoặc các tài sản tương đương.
Hợp đồng vay tài sản có thể được giao kết bằng văn bản hoặc bằng miệng. Việc cho vay tài sản bằng miệng thường xảy ra khi cho người quen biết vay với số tài sản không nhiều. Tuy nhiên khi cho vay bằng miệng đương nhiên sẽ xuất hiện nhiều rủi ro pháp lý. Bởi trong trường hợp các bên có xảy ra tranh chấp thì một trong các bên phải đưa ra bằng chứng chứng minh về việc cho vay. Lúc này nếu không chứng minh được thì rất khó để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên. Tòa án cũng không có căn cứ để bảo vệ quyền lợi cho các đương sự. Chính vì vậy, khi thực hiện cho vay, khuyến nghị các bên ký Hợp đồng cho vay để có cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi của chính mình.
2. Các loại tranh chấp chủ yếu liên quan đến Hợp đồng vay tài sản
(i) Tranh chấp Hợp đồng vay tài sản cho không có giấy giao nhận tài sản
Trong nhiều trường hợp, mặc dù các bên đã ký kết hợp đồng vay, nhưng điều khoản về việc giao nhận tiền lại không được nêu cụ thể. Khi vụ việc được đưa ra tòa án giải quyết, nếu bị đơn không công nhận việc nhận tài sản và cho rằng tài sản chưa được giao dù hợp đồng đã ký, nguyên đơn sẽ phải cung cấp chứng cứ chứng minh việc giao nhận tài sản. Nếu không có chứng cứ thuyết phục, yêu cầu của nguyên đơn có thể không được tòa án chấp nhận.
Do đó, để tránh tranh chấp và bảo vệ quyền lợi của mình, các bên trong hợp đồng vay nên thỏa thuận rõ ràng về thời điểm giao nhận tài sản vay và lập biên bản giao nhận tải sản có đầy đủ chữ ký của các bên.
(ii) Tranh chấp về điều khoản của Hợp đồng vay tài sản
Nếu điều khoản hợp đồng vi phạm quy định của pháp luật hoặc các điều khoản cơ bản của hợp đồng không hợp lệ, có thể dẫn đến tranh chấp về việc vô hiệu hóa các điều khoản này. Ví dụ: Một điều khoản hợp đồng yêu cầu lãi suất vượt quá mức quy định của pháp luật có thể dẫn đến tranh chấp về tính hợp pháp và hiệu lực của hợp đồng.
(iii) Tranh chấp khi một bên vi phạm nghĩa vụ của Hợp đồng vay tài sản
Tranh chấp phổ biến nhất trong nội dung này là một bên vi phạm nghĩa vụ trả nợ, thường xảy ra khi bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn hoặc không trả nợ đầy đủ theo thỏa thuận trong hợp đồng. Ví dụ: Bên vay không trả nợ gốc và lãi đúng hạn, hoặc không trả nợ dù đã được nhắc nhở và yêu cầu nhiều lần.
(Ảnh minh họa: Các loại tranh chấp chủ yếu liên quan đến Hợp đồng vay tài sản)
3. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp Hợp đồng vay tài sản
a. Hồ sơ cần chuẩn bị
Để bảo vệ quyền lợi của chính mình, người có quyền lợi bị ảnh hưởng thực hiện khởi kiện tại Tòa án, người khởi kiện cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm những tài liệu sau:
- Đơn khởi kiện.
- Sổ hộ khẩu; chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước nhân dân.
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ: Hợp đồng vay tài sản, biên bản xác nhận giao tài sản hoặc tài liệu khác
- Các tài liệu, giấy tờ liên quan khác.
b. Thủ tục thực hiện
Bước 1: Người khởi kiện chuẩn bị hồ sơ và nộp đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ hiện có đến Tòa án theo các phương thức như nộp trực tiếp tại Tòa án, gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 2: Tòa án thụ lý vụ án, xem xét tài liệu, chứng cứ cần thiết và thông báo cho đương sự biết để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí. Đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo và nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án để Tòa án thụ lý vụ án dân sự hoặc vụ án dân sự.
Bước 3: Chuẩn bị xét xử bao gồm lấy lời khai của đương sự, tiến hành các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ hoặc định giá, ủy thác thu thập chứng cứ (nếu có). Thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, có thể được gia hạn một lần và không quá 02 tháng đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan.
Bước 4: Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, có thể kéo dài thêm nhưng không quá 30 ngày nếu có lý do chính đáng. Trường hợp Bản án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết.