· Nguyễn Thị Thùy Linh · Nội quy - Thỏa ước · 9 phút đọc
Nội quy lao động và Thỏa ước lao động tập thể
Trong doanh nghiệp hiện nay, việc xây dựng một môi trường làm việc công bằng không thể thiếu vai trò của Nội quy lao động và Thỏa ước lao động tập thể.
1. Nội Quy Lao Động Là Gì?
Nội quy lao động là văn bản nội bộ do Doanh nghiệp xây dựng và ban hành dựa trên quy định của pháp luật lao động nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên nhằm duy trì trật tự, kỷ luật trong doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Nội quy lao động thường quy định các nội dung chủ yếu sau:
- Thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi: Doanh nghiệp quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ, phép năm,…để giúp người lao động hiểu rõ và tuân thủ lịch làm việc.
- Trật tự tại nơi làm việc: Doanh nghiệp quy định về phạm vi làm việc, đi lại trong thời giờ làm việc; văn hóa ứng xử, trang phục; tuân thủ phân công, điều động của doanh nghiệp.
- An toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc: Trách nhiệm chấp hành các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân, các thiết bị bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; vệ sinh, khử độc, khử trùng tại nơi làm việc.
- Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Doanh nghiệp quy định về phòng, chống quấy rối tình dục trong nội quy lao động bao gồm các nội dung cơ bản sau:
(i) Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc;
(ii) Quy định về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động: Doanh nghiệp quy định danh mục tài sản, tài liệu, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ và trách nhiệm, biện pháp được áp dụng để bảo vệ các tài sản đó;
- Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động: Doanh nghiệp quy định cụ thể các trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Bộ luật Lao động 2019.
- Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động: Doanh nghiệp quy định cụ thể các hành vi vi phạm kỷ luật lao động và hình thức xử lý kỷ luật lao động tương ứng với hành vi vi phạm.
- Trách nhiệm vật chất: Doanh nghiệp quy định các trường hợp phải bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi gây thiệt hại tài sản; do làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản hoặc tiêu hao vật tư quá định mức; mức bồi thường thiệt hại tương ứng mức độ thiệt hại; người có thẩm quyền xử lý bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, việc ban hành Nội quy lao động không phải do doanh nghiệp tự quyết định mà trước khi ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
(Ảnh minh họa: Nội quy lao động và Thỏa ước lao động tập thể)
Bên cạnh đó, Nội quy lao động sau khi ban hành còn phải được gửi đến từng tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) và thông báo đến toàn bộ người lao động, đồng thời niêm yết nội dung chính ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc để đảm bảo cho toàn bộ người lao động có thể nắm được và áp dụng một cách đồng bộ, thống nhất cho doanh nghiệp.
2. Thỏa Ước Lao Động Tập Thể Là Gì?
Bên cạnh Nội quy lao động thì Thỏa ước lao động tập thể cũng là một trong những văn bản quan trọng của doanh nghiệp nhằm ghi nhận sự thỏa thuận thông qua thương lượng tập thể giữa người sử dụng lao động với tổ chức đại diện người lao động để xác lập điều kiện lao động và việc sử dụng lao động trong doanh nghiệp. Nội dung của Thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật nhưng “khuyến khích” thỏa thuận những điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, khác với Nội quy lao động thì việc ký kết thỏa ước lao động tập thể là một trong những quyền của người sử dụng lao động. Do đó, Thỏa ước lao động tập thể không bắt buộc doanh nghiệp phải ký kết với tổ chức đại diện người lao động và không phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Mặc dù không bắt buộc phải ký kết nhưng nếu doanh nghiệp lựa chọn ký kết Thỏa ước thì trước khi ký kết, dự thảo thỏa ước lao động tập thể đã được các bên đàm phán phải được lấy ý kiến của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp và Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp chỉ được ký kết khi có trên 50% người lao động của doanh nghiệp biểu quyết tán thành.
Ngoài ra, đối với hiệu lực và thời hạn của Thỏa ước lao động tập thể thì ngày có hiệu lực của Thỏa ước sẽ do các bên thỏa thuận và được ghi trong thỏa ước. Thời hạn của Thỏa ước lao động tập thể thường kéo dài từ 01 năm đến 03 năm. Tuy nhiên, Thời hạn cụ thể sẽ do các bên thỏa thuận và ghi trong Thỏa ước.
Thỏa ước lao động tập thể là sự thể hiện cam kết của doanh nghiệp đối với quyền lợi của người lao động, đồng thời là nền tảng để xây dựng một doanh nghiệp làm việc ổn định và phát triển bền vững.
3. Lợi Ích Của Doanh Nghiệp Khi Ban Hành Nội Quy lao động và Thỏa Ước Lao Động Tập Thể
Thực tế hiện nay, việc xây dựng và ban hành Nội quy lao động và Thỏa ước lao động tập thể đang được đa số các doanh nghiệp thực hiện do lợi ích của nó mang lại như sau:
3.1. Đảm bảo môi trường làm việc ổn định, công bằng và minh bạch:
Nội quy lao động và Thỏa ước lao động tập thể được xây dựng và ban hành đúng trình tự, thủ tục theo quy định không chỉ giúp người lao động hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình mà còn giúp cho người lao động yên tâm hơn trong quá trình làm việc tại Doanh nghiệp. Điều này góp phần xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, ổn định, công bằng và minh bạch. Từ đó, tạo động lực giúp cho người lao động tập trung vào năng suất và hiệu quả công việc.
3.2. Hạn chế tối đa rủi ro xung đột và tranh chấp lao động:
Việc xây dựng Nội quy lao động và Thỏa ước lao động tập thể sẽ giúp Doanh nghiệp thiết lập được một khung pháp lý nội bộ rõ ràng, từ đó làm tiền đề cho doanh nghiệp có cơ sở để giải quyết các vấn đề liên quan đến xung đột hoặc tranh chấp lao động. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể xử lý các tình huống phát sinh một cách minh bạch, công bằng, giảm thiểu nguy cơ kiện tụng và tránh những thiệt hại không đáng có về cả danh tiếng lẫn tài chính.
3.3. Thúc đẩy sự phát triển bền vững và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao:
Việc doanh nghiệp ban hành Nội quy lao động và Thỏa ước lao động tập thể sẽ góp phần tạo niên một môi trường làm việc công bằng, rõ ràng và minh bạch. Điều này không chỉ nâng cao sự hài lòng và gắn kết của toàn thể người lao động mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp thu hút nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc duy trì động lực làm việc và giữ chân nhân sự lâu dài là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển ổn định và nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
3.4. Tăng cường tuân thủ pháp luật lao động:
Ban hành Nội quy lao động và Thỏa ước lao động tập thể đúng theo quy định không chỉ là trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp mà còn là công cụ giúp doanh nghiệp phòng ngừa các vi phạm liên quan đến luật lao động. Điều này góp phần xây dựng uy tín doanh nghiệp trong mắt các đối tác, khách hàng và cơ quan quản lý.
Nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể không chỉ mang lại giá trị pháp lý mà còn là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của doanh nghiệp.
Xem thêm: Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức gì?