· Tác giả: Nguyễn Thị Thùy Linh · Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Thành · Quấy rối tình dục · 6 phút đọc
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là gì?
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu khái niệm về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, các hình thức quấy rối và chế tài xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục.


1. Quấy Rối Tình Dục Tại Nơi Làm Việc Là Gì?
Căn cứ khoản 9 Điều 3 Bộ luật lao động 2019 thì Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Hành vi này có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.
Trong đó, “Nơi làm việc” được hiểu là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.
2. Các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc
Các Hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CPbao gồm:
(i) Hành vi mang tính thể chất: bao gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;
(ii) QRTD bằng lời nói: bao gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;
(iii) QRTD phi lời nói: bao gồm ngôn ngữ cơ thể;
(iv) Trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
3. Chế tài xử lý đối với hành vi Quấy Rối Tình Dục Tại Nơi Làm Việc
3.1. Xử lý kỷ luật lao động
Theo khoản 2 Điều 118 Bộ luật lao động 2019 thì người sử dụng lao động phải quy định về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc và trình tự, thủ tục xử lý các hành vi quấy rối tình dục trong Nội quy lao động. Theo đó, bất kỳ người lao động nào có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong Nội quy lao động mà bị công ty phát hiện hoặc bị người lao động tố cáo sẽ bị công ty áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động là sa thải theo quy định tại khoản 2 Điều 125 Bộ luật lao động 2019.
3.2. Xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ khoản 3 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm việc thực hiện hợp đồng lao động như sau:
“Điều 11. Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Như vậy, theo quy định trên, người nào thực hiện hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
(Ảnh minh họa: Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là gì?)
Ngoài ra, người lao động bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước cho người sử dụng lao động (điểm d khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019).
3.3. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015 chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm hình sự đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, người thực hiện hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
“Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.”
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Theo đó, mặc dù không có quy định về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng trường hợp người có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người bị quấy rối và đáp ứng các điều kiện cấu thành tội làm nhục người khác thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.