· Nguyễn Thị Thùy Linh · Lương và Phúc lợi  · 6 phút đọc

Quy định về Tiền lương và phúc lợi cho người lao động

Trong thị trường hiện nay, chính sách tiền lương và phúc lợi cho người lao động là yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân nhân tài cho các doanh nghiệp.

Trong thị trường hiện nay, chính sách tiền lương và phúc lợi cho người lao động là yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân nhân tài cho các doanh nghiệp.

1. Tiền lương của người lao động là gì?

1.1. Định nghĩa về “Tiền lương”

Căn cứ theo Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH , thì tiền lương được quy định là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm:

(i) Mức lương theo công việc hoặc chức danh: đây là mức lương cơ bản tương ứng với công việc hoặc chức danh của người lao động nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (mức lương này là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội).

(ii) Phụ cấp lương: Các khoản phụ cấp để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ hoặc gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.

(iii) Các khoản bổ sung khác: Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương và Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.

1.2. Nguyên tắc trả tiền lương cho người lao động

Thứ nhất, Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

Thứ hai, Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

Thứ ba, Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau. Quy định này không chỉ đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động mà còn giúp doanh nghiệp xây dựng một môi trường lao động chuyên nghiệp, công bằng và bền vững. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu pháp lý, tạo uy tín và nâng cao hình ảnh trên thị trường lao động.

2. Phúc lợi cho người lao động là gì?

Bên cạnh tiền lương thì phúc lợi là yếu tố quan trọng giúp người lao động cảm nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp. Đây là những khoản chi không bắt buộc, tùy thuộc vào chính sách và khả năng tài chính của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên phúc lợi tốt sẽ giúp doanh nghiệp thu hút được nhân tài và giữ chân người lao động gắn bó lâu dài. Một hệ thống phúc lợi tốt không chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất mà còn chăm lo cho sức khỏe, tinh thần và sự phát triển lâu dài của người lao động.

Hiện nay, Pháp luật không có quy định cụ thể giải thích về thuật ngữ “phúc lợi”. Tuy nhiên trong đời sống xã hội, phúc lợi được hiểu là các quyền lợi mà người lao động nhận được từ Doanh nghiệp ngoài tiền lương theo quy định. Thông thường, Các phúc lợi mà người lao động được hưởng có thể bao gồm:

2.1. Phúc lợi bắt buộc:

Căn cứ theo Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về các phúc lợi bắt buộc đối với người lao động như sau:

“Điều 4. Các chế độ bảo hiểm xã hội

1.Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:

a) Ốm đau;

b) Thai sản;

c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Hưu trí;

đ) Tử tuất.

2.Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:

a) Hưu trí;

b) Tử tuất.”

Quy định về Tiền lương và phúc lợi của người lao động

(Ảnh minh họa: Quy định về tiền lương và phúc lợi cho người lao động)

Như vậy, khi người lao động tham gia BHXH sẽ được hưởng phúc lợi bắt buộc bao gồm 5 chế độ bảo hiểm xã hội như sau:

  • Ốm đau;
  • Thai sản;
  • Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
  • Hưu trí;
  • Tử tuất.

Ngoài ra, còn có một số phúc lợi khác mà người lao động có thể được hưởng như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,…

2.2. Phúc lợi tự nguyện:

Bên cạnh những phúc lợi bắt buộc mà người lao động được hưởng khi tham gia lao động thì người lao động còn được hưởng những chế độ phúc lợi tự nguyện theo chính sách, tình hình sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp để giúp nâng cao tinh thần và năng suất làm việc của người lao động như:

  • Bảo hiểm nhân thọ
  • Khám sức khỏe định kỳ
  • Hỗ trợ chi phí đào tạo, nâng cao kỹ năng
  • Chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần
  • Quà tặng nhân dịp đặc biệt
  • Hỗ trợ ăn trưa, đi lại
  • Phụ cấp điện thoại, internet
  • Du lịch nghỉ dưỡng, tổ chức team building định kỳ
  • Thưởng KPIs

…..

3. Ý nghĩa của tiền lương và phúc lợi đối với người lao động và doanh nghiệp

Đối với người lao động: Tiền lương và Phúc lợi tốt sẽ giúp người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm cống hiến và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiền lương và phúc lợi tốt còn là công cụ hữu hiệu của nhà tuyển dụng trong việc thu hút nhân tài bởi mối quan tâm hàng đầu của người lao động khi ứng tuyển vào một công ty luôn là mức lương và các chính sách đãi ngộ.

Đối với doanh nghiệp: Doanh nghiệp có chế độ tiền lương và phúc lợi tốt đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có tiềm năng và tiềm lực kinh tế phát triển, từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín thương hiệu, giữ chân nhân tài và tăng năng suất lao động, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

    Share:
    Trở về chuyên trang

    Bài viết liên quan

    Xem tất cả »