Như vậy, theo quy định này, nếu người nước ngoài là cá nhân thì không thuộc đối tượng được sử dụng đất ở Việt Nam còn nếu người nước ngoài là tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài thì được sử dụng đất ở Việt Nam.
Người nước ngoài có được sử dụng đất ở tại Việt Nam không? (Ảnh minh họa)
Hình thức sử dụng đất tại Việt Nam của người nước ngoài
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là chủ thể được pháp luật Việt Nam cho phép sử dụng đất để thực hiện, phát triển các dự án đầu tư. Doanh nghiệp có thể sử dụng đất thông qua 3 hình thức sau đây:
Thứ nhất, được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất
Theo khoản 7 Điều 3 Luật đất đai 2013 quy định như sau: “Nhà nước giao quyền sử dụng đất (sau đây gọi là Nhà nước giao đất) là việc Nhà nước ban hành quyết định giao đất để trao quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất”.
Theo Điều 55 Luật đất đai 2013 quy định về các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất như sau:
“Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
2. Tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê;”
Như vậy, chỉ những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê thì mới được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Đây là dự án hướng tới việc định cư cho người dân đang sinh sống tại Việt Nam nên doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện dự án này sẽ được Nhà nước chấp thuận giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Nhà nước sẽ ra Quyết định giao đất và quy định về hạn mức giao đất. Tuy nhiên, tùy vào tình hình cụ thể ở từng địa phương mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức giao đất cụ thể. Thời hạn giao đất để doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam được xem xét, quyết định dựa trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất nhưng không quá 50 năm.
Thứ hai, được nhà nước cho thuê đất
Theo Khoản 8 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định về khái niệm: Nhà nước cho thuê quyền sử dụng đất (sau đây gọi là Nhà nước cho thuê đất) là việc Nhà nước quyết định trao quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất thông qua hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất.
Hiện nay, pháp luật quy định 2 trường hợp lớn khi Nhà nước cho thuê đất, bao gồm:
- Thuê đất trả tiền một lần;
- Thuê đất trả tiền hàng năm
Theo Điều 2 Nghị định 46/2014/NĐ-CP quy định các trường hợp Nhà nước thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trả tiền hàng năm, trả tiền một lần cho cả thời gian thuê bao gồm:
“Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để cho thuê.”
Như vậy, Nhà nước chỉ cho thuê đất đối với các tổ chức kinh tế sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để cho thuê nhà ở để cho thuê. Ngoài ra, tổ chức kinh tế nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư khác thì không được Nhà nước cho thuê đất.
Thứ ba, nhận quyền sử dụng đất
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 191 Luật đất đai năm 2013:
“1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.”
Như vậy, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp pháp luật không cho phép. Tuy nhiên, doanh nghiệp được nhận quyền sử dụng đất thông qua hình thức sau:
- Nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (khoản 3 Điều 153 Luật Đất đai 2013)
- Nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp đang sử dụng đất có nguồn gốc được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê mà giá trị quyền sử dụng đất đã được vốn hóa vào vốn của doanh nghiệp, trừ trường hợp chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp (Điều 39 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 25 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP)
Người nước ngoài có được sở hữu nhà ở tại Việt Nam không?
Theo Điều 159 Luật nhà ở năm 2014 quy định về đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài:
"1. Đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);
c) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau đây:
a) Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
b) Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ."
Như vậy, nếu người nước ngoài là cá nhân thì không thuộc đối tượng được sử dụng đất ở Việt Nam. Tuy nhiên, người nước ngoài mà là cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài thì vẫn được sở hữu nhà ở tại Việt Nam nếu được nhập cảnh hợp pháp và hình thức sở hữu thông qua Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam hoặc Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Trên đây là quy định pháp luật về vấn đề mà Người nước ngoài có được sử dụng đất ở tại Việt Nam không mà Công ty Luật TNHH Youth & Partners đã tìm hiểu và cập nhật, cảm ơn Quý Khách hàng đã quan tâm và theo dõi. Trân trọng!
NTTL