· Nguyễn Thị Thùy Linh · Xử lý kỷ luật · 8 phút đọc
Người lao động có bị cho thôi việc nếu không hoàn thành công việc được giao?
Doanh nghiệp lấy lý do người lao động không hoàn thành công việc để cho người lao động thôi việc có đúng quy định của pháp luật hay không?
1. Không hoàn thành công việc được giao là gì?
Theo điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như sau:“Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở”.
Như vậy, pháp luật hiện nay không đưa ra định nghĩa cụ thể về việc không hoàn thành công việc được giao. Tuy nhiên, từ quy định này có thể hiểu để đánh giá việc người lao động có hoàn thành công việc được giao hay không thì sẽ dựa vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế mà Doanh nghiệp đã quy định. Đối với Doanh nghiệp có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thì quy chế này phải được tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trước khi được ban hành để đưa vào áp dụng tại Doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà tự mình đặt ra quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc thì doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 05 đến 10 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Vì vậy, Doanh nghiệp phải hết sức lưu ý tham khảo ý kiến của tố chức đại diện người lao động tại cơ sở trước khi đặt ra quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc cho Doanh nghiệp.
2. Người lao động không hoàn thành công việc được giao có bị cho thôi việc không?
Theo Điều 125 Bộ luật lao động 2019 quy định các trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải bao gồm:
Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;
Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật.
Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
Như vậy, người lao động chỉ bị Công ty sa thải hay nói cách khác là cho thôi việc nếu người lao động thực hiện một trong bốn hành vi được nêu ở trên. Theo đó, trường hợp người lao động không hoàn thành công việc được giao không thuộc các trường hợp bị Công ty sa thải (cho thôi việc).
Tuy nhiên, nếu người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc được giao thì Công ty vẫn có thể đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Bộ luật lao động 2019 như sau:
- Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động.
Theo quy định trên, NSDLĐ chỉ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi:
- Có Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc (phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở)
- Có tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của Công ty
- NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo Hợp đồng lao động theo tiêu chí và quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc
Việc xác định mức độ thường xuyên không hoàn thành công việc được dựa trên tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của Công ty đã ban hành có tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Nếu Công ty chỉ tự đánh giá việc không hoàn thành công việc của NLĐ dựa trên cảm nhận của cấp trên mà không có bất kỳ Bản đánh giá nào theo các tiêu chí đánh giá, quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc theo quy định tại mục (a) và (b) nêu trên thì không đáp ứng được điều kiện để đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động do người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc.
Khi đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động thì Công ty phải có nghĩa vụ thông báo trước cho người lao động với thời hạn như sau:
- Ít nhất 45 ngày: Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn.
- Ít nhất 30 ngày: Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 12 tháng đến 36 tháng.
- Ít nhất 03 ngày làm việc: Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 12 tháng.
3. Người lao động có được hưởng trợ cấp thôi việc khi bị cho thôi việc không?
Theo khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 quy định về trợ cấp thôi việc như sau:
- Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
Dẫn chiếu tới Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
“11. Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này.”
Theo Điều 42, 43 của Bộ luật lao động 2019 thì quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế và nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trường hợp NLĐ bị cho thôi việc do không thường xuyên hoàn thành công việc được giao không thuộc các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động được trả trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật. Do vậy, NLĐ sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc nếu bị cho thôi việc do không hoàn thành công việc được giao.
Trên đây là quy định pháp luật về vấn đề Người lao động có bị cho thôi việc nếu không hoàn thành công việc được giao mà Công ty Luật TNHH Youth & Partners đã tìm hiểu và cập nhật, cảm ơn Quý Khách hàng đã quan tâm và theo dõi. Trân trọng!
NTTL