· Nguyễn Thị Thùy Linh · Pháp lý lao động khác  · 5 phút đọc

Thỏa thuận bảo mật thông tin và Thỏa thuận không cạnh tranh của doanh nghiệp

Hiện nay doanh nghiệp ký Thỏa thuận bảo mật thông tin và Thỏa thuận không cạnh tranh giúp doanh nghiệp kiểm soát rủi ro pháp lý và đảm bảo an toàn thông tin.

Hiện nay doanh nghiệp ký Thỏa thuận bảo mật thông tin và Thỏa thuận không cạnh tranh giúp doanh nghiệp kiểm soát rủi ro pháp lý và đảm bảo an toàn thông tin.

1. Thỏa thuận Bảo mật Thông tin (NDA) của doanh nghiệp là gì?

Thỏa thuận Bảo mật Thông tin là văn bản pháp lý mà doanh nghiệp thường ký kết với người lao động, trong đó các bên cam kết bảo mật tất cả những thông tin mật được chia sẻ cho nhau trong quá trình người lao động làm việc tại doanh nghiệp và cả sau khi người lao động chấm dứt quan hệ lao động với doanh nghiệp. Đây là cách để doanh nghiệp bảo vệ tài sản trí tuệ, thông tin chiến lược và các tài liệu quan trọng khác khỏi rơi vào tay đối thủ hoặc bị sử dụng sai mục đích. Ngoài ra, thỏa thuận này cũng là cơ sở giúp người lao động bảo mật được các thông tin cá nhân đã chia sẻ cho doanh nghiệp trước và trong khi tham gia quan hệ lao động với doanh nghiệp.

Các nội dung chính của Thỏa thuận Bảo mật Thông tin:

- Định nghĩa thông tin bảo mật: Bao gồm dữ liệu, tài liệu kinh doanh, kế hoạch chiến lược, công nghệ, và thông tin khách hàng.

- Phạm vi bảo mật: Quy định rõ ràng ai được phép tiếp cận thông tin, mục đích sử dụng và các trường hợp ngoại lệ.

- Thời hạn bảo mật: Thường kéo dài trong suốt thời gian hợp tác và có thể kéo dài sau khi kết thúc hợp đồng.

- Chế tài vi phạm: Đề cập đến các hình thức xử lý nếu một bên vi phạm, từ phạt tài chính đến kiện tụng.

2. Thỏa thuận Không Cạnh tranh (NCA) của doanh nghiệp là gì?

Thỏa thuận Không Cạnh tranh là cam kết giữa doanh nghiệp và người lao động về việc người lao động sẽ không làm việc cho các đối thủ cạnh tranh của người sử dụng lao động trong một khoảng thời gian nhất định sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Mục đích của việc xác lập Thỏa thuận Không Cạnh tranh là bảo vệ bí mật kinh doanh và bí quyết công nghệ, vốn là tài sản vô hình của người sử dụng lao động.

Thỏa thuận bảo mật thông tin và Thỏa thuận không cạnh tranh của doanh nghiệp

(Ảnh minh họa: Thỏa thuận bảo mật thông tin và Thỏa thuận không cạnh tranh của doanh nghiệp)

Thỏa thuận không cạnh tranh thường bao gồm các nội dung chính:

- Cam kết không cạnh tranh: NLĐ cam kết không thành lập, làm việc cho, hoặc tham gia vào các hoạt động cạnh tranh với doanh nghiệp, trực tiếp hoặc gián tiếp, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.

- Thời gian giới hạn: Quy định rõ khoảng thời gian mà cam kết không cạnh tranh có hiệu lực sau khi NLĐ rời khỏi doanh nghiệp.

- Phạt vi phạm: Xác định mức phạt hoặc hình thức xử lý nếu NLĐ vi phạm cam kết.

- Phạm vi địa lý: Giới hạn địa lý nơi cam kết không cạnh tranh có hiệu lực, có thể là trong một khu vực cụ thể hoặc trên phạm vi toàn cầu.

- Thỏa thuận bồi thường: Có thể bao gồm các điều khoản về việc doanh nghiệp bồi thường cho NLĐ nếu họ tuân thủ cam kết không tham gia vào hoạt động cạnh tranh.

3. Vai trò của Thỏa thuận bảo mật thông tin và Thỏa thuận không cạnh tranh đối với doanh nghiệp

3.1. Vai trò của Thỏa thuận bảo mật thông tin đối với doanh nghiệp

Bảo vệ thông tin bí mật:

Thỏa thuận bảo mật giúp doanh nghiệp bảo vệ các thông tin quan trọng như bí mật kinh doanh, công thức, chiến lược, tài liệu nghiên cứu, hoặc dữ liệu khách hàng khỏi việc bị tiết lộ ra bên ngoài.

Đảm bảo thông tin không bị sử dụng trái phép bởi nhân viên, đối tác, hoặc bên thứ ba.

Giữ lợi thế cạnh tranh:

Bằng cách kiểm soát thông tin nhạy cảm, doanh nghiệp duy trì được lợi thế cạnh tranh trên thị trường và tăng cường uy tín của doanh nghiệp bởi doanh nghiệp sẽ được đánh giá cao khi có hệ thống bảo mật chặt chẽ.

Tránh tình trạng đối thủ cạnh tranh khai thác các bí mật kinh doanh.

Tạo môi trường hợp tác an toàn:

NDA xây dựng sự tin tưởng giữa các bên khi chia sẻ thông tin nhạy cảm, đặc biệt trong các thương vụ M&A, hợp tác nghiên cứu, hoặc các dự án đầu tư.

Ràng buộc pháp lý:

NDA đóng vai trò như một công cụ pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm, từ đó bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.

3.2. Vai trò của Thỏa thuận không cạnh tranh đối với doanh nghiệp

Bảo vệ lợi ích kinh doanh:

Thỏa thuận không cạnh tranh ngăn cản nhân viên rời khỏi công ty và tham gia làm việc cho đối thủ hoặc tự mở doanh nghiệp cạnh tranh, đặc biệt trong các ngành công nghiệp nhạy cảm.

Giảm rủi ro thất thoát tài sản trí tuệ:

NCA giúp đảm bảo rằng các kiến thức, kỹ năng, và bí quyết mà nhân viên tích lũy từ doanh nghiệp không bị sử dụng để cạnh tranh lại với chính doanh nghiệp.

Ổn định nhân sự:

Ngăn chặn nhân viên chủ chốt chuyển việc hàng loạt sang các đối thủ hoặc mang theo khách hàng, dự án quan trọng khi rời khỏi doanh nghiệp.

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh:

NCA giúp giảm thiểu các hành vi cạnh tranh không công bằng trong thị trường lao động và giữa các doanh nghiệp.

Trở về chuyên trang

Bài viết liên quan

Xem tất cả »